Chương Trình Đi Bộ Đồng Hành Vì Người Nghèo

Chương Trình Đi Bộ Đồng Hành Vì Người Nghèo

Thông qua chương trình, chính quyền TP Cần Thơ mong muốn tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng.

Thông qua chương trình, chính quyền TP Cần Thơ mong muốn tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng.

Một buổi sinh hoạt nhóm trị liệu cho người khuyết tật của kỹ thuật viên trị liệu Nguyễn Thúy Duy.

Buổi sinh hoạt nhóm của NKT với kỹ thuật viên Nguyễn Thúy Duy ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bạc Liêu đầy ắp tiếng cười, tiếng vỗ tay và bầu không khí thật hạnh phúc, vui vẻ. Không gian phòng sinh hoạt chung khá rộng rãi, bố trí liên hoàn ngay cạnh phòng PHCN được trang bị các dụng cụ hiện đại. Cạnh đó là nhà vệ sinh và khu bếp sạch sẽ thiết kế phù hợp với NKT. Khu bếp là nơi để các kỹ thuật viên, cộng tác viên của VNAH tổ chức những buổi trị liệu đặc biệt, giúp NKT vừa có cơ hội khôi phục khả năng cử động, ý thức, vừa được tham gia các hoạt động cộng đồng có tính tương tác cao để hòa nhập cuộc sống.

Bà Tô Hồng Nguyên, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bạc Liêu cho biết, Trung tâm đã được hỗ trợ các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt như ti vi, tủ lạnh, đầu máy hát karaoke, thiết bị vật lý trị liệu, dụng cụ y khoa, thiết bị hỗ trợ chăm sóc NKT, hỗ trợ đào tạo nhân lực để chăm sóc hiệu quả hơn cho các đối tượng phần lớn là NKT tại đây. Với 60 đối tượng bao gồm cả trẻ em, người già, Trung tâm chỉ có một bác sĩ và đội ngũ chăm sóc không có chuyên môn về PHCN cũng như chăm sóc NKT nên sự hỗ trợ về nguồn lực của VNAH là rất thiết thực. “Không có sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các tổ chức trong và ngoài nước, chúng tôi không thể làm được”, chị Nguyên khẳng định.

Bà Nguyễn Ánh Chí, Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật của VNAH, nguyên Trưởng bộ môn Vật lý trị liệu-PHCN của Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, trong dự án, VNAH đã xây dựng đội ngũ kỹ thuật viên, cộng tác viên chuyên nghiệp, được đào tạo về PHCN, huấn luyện về kỹ năng chăm sóc NKT. Dự án có liên quan tới mảng đào tạo nguồn lực PHCN nên với kinh nghiệm chuyên môn của mình, bà đã góp phần xây dựng đội ngũ kỹ thuật viên, cộng tác viên cho dự án, trong đó bao gồm cả những đồng nghiệp và sinh viên của trường.

Một cơ sở sản xuất dụng cụ chấn thương chỉnh hình, PHCN cho NKT ở Đồng Nai đã đồng hành với VNAH trong suốt hành trình của dự án. Dù chỉ là một chiếc xe lăn, một dụng cụ PHCN đơn giản... cơ sở này cũng sẵn sàng sản xuất, cung cấp theo số đo và chỉ định để giúp NKT có thể thích nghi, hồi phục. Không chỉ cung cấp dụng cụ, nhân viên của dự án còn hướng dẫn cách sử dụng và thường xuyên đánh giá hiệu quả của thiết bị. Trước đây, khi chưa được tiếp cận dịch vụ PHCN chuyên nghiệp, NKT có khi phải sử dụng những dụng cụ tự chế vừa không hiệu quả, đôi khi còn phản tác dụng.

Vợ chồng ông Giang Trí Dũng ở Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu chăm sóc cô con gái tật nguyền bẩm sinh suốt 46 năm qua. Thể trạng con gái to béo khiến việc chăm sóc rất khó khăn. Từ khi được hướng dẫn các kỹ năng chăm sóc NKT và hỗ trợ chiếc xe lăn đa năng có thể điều chỉnh độ cao, phía lưng tựa có thể ngả xuống... vợ chồng ông Dũng đỡ vất vả hơn nhiều. Hằng ngày, mỗi khi có thời gian, vợ chồng ông đều đẩy xe lăn để con gái ra ngoài cho thoáng thay vì chỉ nằm một chỗ như trước.

Để không người khuyết tật nào bị bỏ lại phía sau

Thúy Duy cho rằng, công việc mà chị cùng các đồng nghiệp ở VNAH đang làm không chỉ giúp NKT hòa nhập cộng đồng, mà còn tạo cơ hội để họ thay đổi quan điểm và nhìn nhận đúng đắn hơn về khả năng của bản thân cũng như giá trị thật sự của bản thân trong cuộc sống. Từ đó, chính NKT sẽ thật sự mong muốn tham gia vào đời sống xã hội chứ không chỉ là đang tồn tại. “Hành trình này giúp những bạn trẻ như tôi học được cách thấu cảm hạnh phúc và nỗi đau của sinh mệnh, nhất là sự sẻ chia. Công việc của tôi không chỉ là giúp đỡ NKT mà chính bản thân tôi cũng trưởng thành hơn từng ngày”, Thúy Duy tâm sự.

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bạc Liêu đã trở thành địa chỉ đáng nhớ của các bạn sinh viên Khoa Kỹ thuật PHCN, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng ở TP Hồ Chí Minh. Với sự kết nối của VNAH, thay vì tham gia mùa hè tình nguyện như thường lệ, các em đã có hai tuần đầy ý nghĩa khi được làm thiện nguyện, tham gia các hoạt động hỗ trợ trị liệu và chăm sóc NKT ở trung tâm.

Ông Trần Văn Ca, Chủ tịch VNAH cho biết, qua đánh giá hoạt động của các dự án, có thể thấy nhu cầu hỗ trợ PHCN cho NKT trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu cũng như các tỉnh phía Nam chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh vẫn rất nhiều, trong khi khả năng và nguồn lực của địa phương còn hạn chế. Các địa phương luôn ủng hộ và tạo điều kiện để các tổ chức trong và ngoài nước, trong đó có VNAH cùng chung tay tham gia hỗ trợ NKT, nhất là các nạn nhân chất độc da cam. Những đối tượng NKT mà dự án tiếp cận được để hỗ trợ chỉ là con số rất ít, có thể nói là “không thấm vào đâu” so với nhu cầu thực tế. Để không NKT nào bị bỏ lại phía sau, dự án DIRECT đang hỗ trợ cập nhật Hệ thống thông tin quản lý sức khỏe, PHCN NKT của Bộ Y tế (DIS) thông qua các hoạt động tập huấn cho đội ngũ cán bộ ngành y tế ở các huyện, thị xã của tỉnh Cà Mau, để đội ngũ này thu thập, quản lý thông tin về NKT và nhập lên hệ thống phần mềm quản lý của Bộ Y tế.

Các dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ sẽ kết thúc sau 2 năm nữa, trong khi hành trình vì NKT của VNAH vẫn đang tiếp tục. Ông Trần Văn Ca cho biết sẽ trở về Mỹ và tới một số nước có đối tác của VNAH để tiếp tục vận động gây quỹ, với mong muốn hỗ trợ nhiều hơn cho NKT tại Việt Nam. Những NKT là nạn nhân chất độc da cam hay nạn nhân của bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh là bằng chứng thuyết phục về những nỗi đau mà nhiều người dân Việt Nam vẫn đang phải gánh chịu dù cuộc chiến đã qua nhiều chục năm. Ông tin rằng, các hoạt động của VNAH tại Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được nhiều sự ủng hộ và làm lay động những trái tim, những tấm lòng.

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.